Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết
07/11/2022Giữa lúc dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, những cơn mưa đầu mùa đang tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) và bệnh do virus Zika phát triển, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Bộ Y tế vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố đề nghị nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm ngăn chặn sự gia tăng, bùng phát của dịch bệnh.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 26.857 trường hợp mắc SXH tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó có ba ca tử vong tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh. Trong những tuần gần đây, số ca mắc có xu hướng gia tăng tại các tỉnh, thành phố như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, khi thời tiết bắt đầu vào mùa mưa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và truyền bệnh.
Ngày 20-5, Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam cũng đã ghi nhận một trường hợp mắc bệnh do virus Zika tại TP Đà Nẵng. Bệnh lây sang người qua vết cắn của muỗi gây tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nếu phụ nữ mang thai nhiễm. Đây là bệnh vẫn ghi nhận số ca mắc rải rác tại một số tỉnh, thành phố phía nam trong những năm gần đây. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt loăng quăng (bọ gậy), tất cả các hộ gia đình tại vùng dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải… Cùng với đó, các sở y tế giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng. Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, hai tuần/lần để xử lý triệt để. Các tỉnh bảo đảm 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, tầng trong nhà được phun hóa chất theo chỉ định của ngành y tế.
Bộ Y tế lưu ý, bệnh SXH hay virus Zika hiện chưa có vaccine phòng ngừa, ý thức tự phòng bệnh của người dân luôn là yếu tố quyết định cho việc kiểm soát thành công. Bệnh sẽ diễn tiến rất nguy hiểm ở nhóm những người béo phì, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai. Với SXH, bệnh có nguy cơ biến chứng, tử vong cao nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Người dân nếu chẳng may bị sốt ba ngày trở lên phải nghĩ đến mắc SXH. Khi có biểu hiện nhiễm bệnh không tự ý mua thuốc uống mà cần đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán, có phương án điều trị phù hợp. Trong bối cảnh dịch Covid-19, phần lớn bệnh viện hiện nay đều thiết lập hệ thống khám, sàng lọc bệnh và thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm, vì vậy người bệnh không nên lo lắng mà cần chủ động đến khám và điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 137 trường hợp mắc SXH tại nhiều quận, huyện, trong đó có hai ổ dịch có nguy cơ lớn. Số ca mắc bệnh được phân bổ tại 23/30 quận, huyện và 96/579 xã, phường; trong đó trọng tâm là khu nội thành, khu đông dân cư, nơi có hạ tầng cơ sở chưa phát triển. Sở Y tế Hà Nội đánh giá hiện trên địa bàn có hai ổ dịch SXH có nguy cơ gia tăng nhanh là xã Khánh Hà, huyện Thường Tín và xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai.